An toàn thông tin là ngành “hot” trên thị trường lao động hiện nay. Hiện tại và trong tương lai, tất cả các giao dịch, hoạt động của Việt Nam cũng như thế giới đều diễn ra trên mạng, do đó yếu tố bảo mật thông tin là vô cùng quan trọng.
An toàn thông tin là gì?
An toàn thông tin là thuật ngữ dùng để chỉ việc bảo vệ thông tin số và các hệ thống thông tin chống lại các nguy cơ tự nhiên, các hành động truy cập, sử dụng, phát tán, phá hoại, sửa đổi và phá hủy bất hợp pháp nhằm bảo đảm cho các hệ thống thông tin thực hiện đúng chức năng, phục vụ đúng đối tượng một cách sẵn sàng, chính xác và tin cậy.
Với sự phát triển của Điện toán đám mây và Thương mại điện tử ngày nay, việc đảm bảo an toàn thông tin được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, và sẽ trở thành ngành có nhu cầu nhân lực rất lớn trong tương lai. Việc đảm bảo an toàn thông tin lúc này không chỉ là việc bảo vệ hệ thống khỏi những tấn công của hacker, mà còn là đảm bảo các gói tin chạy an toàn, không mất mát khi truyền dữ liệu.
Đây là ngành học liên quan đến cả phần cứng, phần mềm, mạng, nguyên tắc tổ chức thông tin cũng như yếu tố con người. Ngành này cũng yêu cầu sinh viên có tư duy toán học và tư duy hệ thống tốt – vì công việc của chuyên gia an toàn thông tin sẽ là làm việc trong môi trường số hóa, nhiều công việc liên quan đến việc giải mã và xây dựng các thuật toán phòng thủ hoặc tấn công trong môi trường số.
Khối thi, trình độ đào tạo
– Khối thi: A, A1, D1
– Trình độ đào tạo: Đại học
– Loại hình đào tạo: kỹ sư an toàn thông tin
– Thời gian đào tào: 4 – 5 năm
Các chuyên ngành đào tạo
– An ninh mạng.
– Quản trị Hệ thống an toàn thông tin.
– Phát triển ứng dụng an toàn thông tin.
– Mã hóa an toàn thông tin
Kiến thức chuyên sâu
– Kiến thức nền tảng về máy tính và hệ thống mạng.
-Kiến thức nền tảng về an toàn an ninh thông tin.
– Các ngôn ngữ lập trình và quy trình phát triển phần mềm.
– An toàn an ninh thông tin cho quản trị hệ thống thông tin.
– Điều tra tội phạm thông tin.
– Phân tích và đánh giá hệ thống với xâm nhập giả định.
– Xử lý sự cố xâm nhập hệ thống.
– Phát triển phần mềm đảm bảo an toàn thông tin.
– Kiểm tra khả năng an toàn an ninh thông tin.
Một số cơ sở đào tạo
Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 99 (ngày 14/1/2014) để phê duyệt Đề án Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020. Đề án này đặt ra 4 nhóm mục tiêu cần đạt được vào năm 2020, đồng thời lựa chọn ra 8 cơ sở đào tạo “trọng điểm” về an toàn thông tin, bao gồm:
Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học Viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông, Trường Đại học CNTT – Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia HN; Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng và Học viện An ninh nhân dân (Bộ Công an)
Cơ hội nghề nghiệp
Với cơn khát nhân lực chất lượng cao ngành An toàn thông tin, được dự báo là còn kéo dài và tăng cao trong giai đoạn 10 năm tới, sinh viên ngành An toàn thông tin ra trường có khả năng làm việc thuộc lĩnh vực An toàn thông tin trong các đơn vị chuyên về CNTT và mạng cũng như các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT như: các cơ quan chính phủ, các cơ quan thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, năng lượng điện, dầu khí, thương mại, giao thông vận tải.
Xem thêm: Tìm hiểu thêm ngành khoa học máy tính
Một số công việc điển hình như:
* Chuyên viên quản trị bảo mật máy chủ và mạng
* Chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu
* Chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin đảm bảo an toàn
* Chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống
* Chuyên gia rà soát lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin
* Chuyên gia lập trình và phát triển ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin.
Bạn đang đọc: Ngành an toàn thông tin – https://khoinganhcntt.com
Thu Thủy
Source: https://khoinganhcntt.com
Category: NGÀNH TUYỂN SINH